Những cuộc gặp gỡ

Có những cuộc gặp gỡ do hẹn gặp, nhưng có những cuộc gặp gỡ tình cờ không dưng lại đến. Mà cũng đâu phải cứ hẹn là gặp, có khi hẹn còn chẳng gặp được nhau, thế thì chắc là một điều gì đó trong mình đã tìm thấy một điều gì đó trong người kia để tạo nên nhân duyên giữa người và người.

Lâu rồi mình không viết, vì cảm thấy bản thân không còn gì mới, vì dường như sau cái lần mình vỡ vụn ấy mình vẫn chưa bao giờ lành lại hoàn toàn. Mình đã đi tìm một lý giải phù hợp, cố gắng chắp vá lại ghép lại thành một cái tôi tàm tạm đủ dùng, che đậy tạm cái con người yếu đuối và rỗng tuếch bên trong. Mình cười nhưng không thực sự vui, mình tìm nhưng không cố gắng hiểu, mình với tới nhưng không biết với tới điều gì. Mình xây quanh mình những thứ cũng tàm tạm y hệt, để tỏ ra là mình ổn.

Nhưng mà đúng như một vài lần cũng từng xuất hiện trong cuộc đời mình trước đó, mình chán ngấy bản thân đến nỗi không thể chịu được nữa. Như cái thời mình 59kg và mình tập PIIT 30 phút mỗi ngày, vì mình phải thay đổi, vì không thay đổi thì mình sẽ dừng ở đây mãi mãi thất bại, mãi mãi vô dụng. Và mình đã vượt qua để làm lại với một tâm thế khác, để tìm được một nơi làm việc mình đã thực sự hạnh phúc và cảm thấy ý nghĩa, gặp người cần gặp, làm điều cần làm.

Mình nhớ là mình đã từng rất vui. Vì khi nhìn lại, mình nhớ sự rạng rỡ và niềm vui thuần khiết mình đã có đã tỏa sáng lấp lánh và ấm áp thế nào.

Và mình biết mình đã khác, khi mình gặp lại những người bạn cũ, và mình lạc ra khỏi câu chuyện. Không phải vì mình trưởng thành chậm hơn mọi người vì mình đã time skip 3 năm ở nhà, không phải vì các bạn ở những vị trí cao hơn, mà vì mình đã mất kết nối với mọi người, và sâu xa là với chính mình.

Thôi đọc sách, thôi nấu ăn, thôi dừng lại chỉ để dành cho những điều vu vơ nhảm nhí, mình nghĩ về công việc nhưng chính điều đó cũng giết chết công việc của mình, vì khi ta lạc lối mà cứ chăm chăm đi mãi, thì ta cứ đi lạc ngày một xa.

Hôm đó mình hẹn gặp chị Tr, là Tết, mà trong lòng mình, chán, chán cùng cực.

Và rồi mình đã hẹn được chị Tr vào đúng ngày mà mình gặp được chị VA.

.

Căn nhà ở phố Kim Đồng là một nơi ngoài bán kính đi làm của mình. Vừa đến cửa đã có mùi ngọt của nguyên liệu làm bánh, nguyên liệu cao cấo nha. Mình nhìn quanh và tò mò vì ở đây không có vẻ gì là có cửa hàng bánh xịn như thế. Đến khi cửa mở mình mới nhớ ra à nó là xưởng của Th nữa, mùi hương quen của những loại bánh mình đã từng mua kha khá nhiều lần và thường xuyên wow vì đó là một trải nghiệm rất khác.

Studio của chị Tr trên tầng 4, có một cái gương rất to và đẹp dựng nghiêng, gương bình thường mà mình thấy ở hàng quần áo là mình thấy giảm độ uy tín – 1/2 do nó khá ảo =)) Kệ giày có những đôi giày sắc nét, giá treo quần áo, bàn làm việc, bộ sofa đỏ chính giữa hứa hẹn sự êm ái và thân thiện.

Thứ đầu tiên mình nhận được là một cái ôm.

Cảm giác đầu tiên mình nhận thấy là được trở về, và gặp lại hai người quen từ rất lâu.

Vì mình theo dõi chị Tr cũng khá lâu, từ khi viết sách, từ thời anh chị có đám cưới, blog đôi, có con, làm Th, mở khóa học, rồi trực tiếp làm quần áo. Mình chỉ là người theo dõi lâu nhâu, nhưng cảm thấy đã ở cạnh và đã biết từ rất lâu rồi. Nữa là chị Tr ít làm màu, kiểu người mà ai cũng biết nhưng cũng hay post nhảm nhí và dám nói bậy =)) Kiểu chị hàng xóm nhà bên :)) Chị VA thì là một trong những người mặc MG đẹp nhất, hay được biết đến là nàng thơ MG. Nhìn chị thơ thật, có nét trẻ trung nhưng vẫn trưởng thành, sang trọng nhưng không xa cách.

Không quen nhưng lại là biết nhau như đã từ lâu.

Thế rồi chuyện bắt đầu, đó là chị VA thử xong, chị Trầm lên đồ cho mình thử mấy bộ basic. Mà chị tháo cái khuy cổ thấp, là mình bảo chị ơi em không dám :)) Sau vài lần thì các chị đã ngay lập tức sense được vấn đề của cái con bé tuổi còn trẻ nhưng tâm hồn Đức Mẹ Đồng Trinh này nó lại không chỉ là thời trang mà nó là cái mindset =))

Thế là chắc cũng có một trên đời, đi thử quần áo nhưng lại được educate về tâm thế :))))

Thế nào mà các chị tôi nói nhiều điều mà cái điều lại chạm đến tôi là cái vết thương lòng xưa kia. Thế là lại rơm rớm, lại tức, lại ức. Rồi phản ứng dây chuyện là chị Tr tôi mới kể lại chuyện cuộc đời giữa lằn ranh yang hồ và trí thức, và chị VA mới dốc bầu tâm sự rằng tại sao chị lại ở đây và lại là chị của ngày hôm nay. Nó là nhẫn nhịn, là chịu đựng, là đặt mình xuống nên quên mất mình là ai và mình xứng đáng với những điều gì.

Và đó là một cuộc trò chuyện rất khác, vì nó không phải là một vài lời khuyên và sự cảm thông khơi khơi khi người ta kể cho người qua đường nghe những câu chuyện đời.

Nó là những chặng trong cuộc đời mà các chị ấy đã trải qua, là uất ức, khó khăn, nhưng mặt khác lại là niềm tin vào những điều tốt đẹp và tình yêu, niềm tin vào bản thân và sự mạnh mẽ của nữ tính.

Đập vào mình như những quả bom thả vào mặt hồ lãnh đạm.

Nhìn thấy mình phần nào trong các chị.

Em đang đánh mất mình, và có thể em cũng sẽ tốt lên hoặc sẽ đánh mất mình mãi mãi

Những lời nhận xét đi thẳng vào tim, những lời chưa ai nói về cái điều tôi âm thầm cảm thấy mà chẳng thể gọi thành tên.

Em đã đặt nhu cầu của những người khác lên trên mình quá lâu mà quên mất cần phải trân trọng và yêu thương bản thân mình.

Nếu em cứ sống vì cái nhìn của người khác thì thực ra mọi người cũng chẳng thích em đâu, mà còn coi thường và điều khiển theo ý họ. Làm cái gì em cho là đúng và để mọi người phải follow mình. Hồi chị làm chị cũng khác mọi người nhưng chị không sợ vì chị làm được tốt việc của chị, vả lại những người ấy có cho mình tiền đâu mà phải sợ họ đánh giá.

Em phải mạnh mẽ lên.

Nhưng rồi cũng chính là chị, đã nói với tôi khoảng thời gian em ở nhà ấy không lãng phí đâu, em đã cho con em một khoảng thời gian tốt nhất mà em có thể, chỉ là giờ phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn.

Em có thể áp dụng me-time, 15p hay 30p cũng được, miễn là làm điều mình thích dù có khi chỉ là đọc sách, xem phim. Khoảng thời gian chỉ dành cho chính mình. Viết nhật ký. Thực hành biết ơn.

Ôi bảo sao mà mất kết nối, vì cứ ép mình phải đọc cái có ích, xem cái ý nghĩa, đến còn quên mình thích làm gì mình yêu điều gì và mình là ai nếu không chỉ là định danh là mẹ, là vợ, là công việc.

Lạc quan, vì mỗi khi khó khăn chị lại không nghĩ đấy là khó khăn, mà tự tin là mình có thể tìm được cách giải quyết.

Thực ra không có đúng sai tuyệt đối, chỉ là mình chọn tin điều gì và điều đó làm cho mình tốt hơn.

Thế giới này thực ra vừa vặn với niềm tin của em.

Khi em nói em lấy chồng vì chỉ cần người bạn ở chung nhà chia tiền nhà và chị bảo tại sao lại phải sống chán như thế. Tại sao chồng em không thể trở thành người thú vị hơn, và em cũng trở thành người thú vị hơn.

Có lẽ là nằm ở điều mình tin, và điều mình muốn.

Mình muốn một điều nhạt nhẽo và mình có được nó.

Và mình chưa bao giờ tự hỏi tại sao mình lại không sống thú vị hơn.

Mình thỏa hiệp, thay vì nói ra một cách chín chắn tại sao mình tin vào điều mình tin.

Biết mình muốn gì.

Biến cố ấy giúp chị nhận ra giá trị của mình ở đâu, và mình xứng đáng với những gì.

.

Chuyện bắt đầu từ việc thả một chiếc khuy áo, để nhận ra mình đang tù túng đến đâu, đang gọt mình cho vừa thay vì sống như mình muốn.

Là một niềm vui, là trở thành một niềm vui trong cuộc đời này.

Là yêu nhau thuần khiết, thay vì mong đợi người khác phải theo ý mình.

Chị hay nói với con chị là con là con của mẹ nên dù con ngoan hay hư mẹ vẫn luôn luôn yêu con, chỉ là nếu con làm những điều tốt thì mẹ sẽ rất hạnh phúc, còn nếu con làm điều xấu thì mẹ sẽ rất đau khổ.

Chị trở thành niềm vui của con, và con là niềm vui của chị, chỉ là như thế.

Con cái nhìn mình để trở thành người con muốn. Nếu mình chăm chỉ thì con sẽ như vậy.

Nhưng cũng có lúc con cần biết là mẹ cũng mệt, cũng buồn, cũng giận chứ không phải mẹ lúc nào cũng vui vẻ và ở đây để phục vụ con. Hãy nói cho con biết cảm xúc của mình chứ đừng âm thầm gánh hết, để rồi con mình chẳng biết gì.

.

Chúng tôi tìm đến một thương hiệu may đo.

Khi nào thì người ta dùng đồ may đo, nếu không phải đã đến lúc tìm kiếm những điều vừa vặn tuyệt đối. Tôi cần điều vừa vặn với chính tôi chứ không phải tiêu chuẩn chung chung của mọi người.

Tôi có thể sống một cuộc sống rất khác, mạo hiểm hơn, phải nỗ lực hơn và cũng thú vị hơn.

.

Điều cuối cùng hôm nay chị VA có nhắn:

Hãy trân trọng và yêu thương bản thân mình nhé.

Bài hát gắn với một nơi đã từng

Có những bài hát gắn với một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, mà lúc đó mình đã replay nhiều lần. Mỗi lần bài hát cất lên là tâm trí mình bất giác bị đưa tới đoạn ký ức đó.

Như là Lost star của Adam Levine vào cái năm bộ phim Begin Again ra mắt sẽ luôn dẫn mình đến hình ảnh của anh chàng người Mỹ cầm guitar, ánh đèn vàng mờ của những căn nhà ở Mỹ và quyển sách A little prince. Như là True Love của Coldplay sẽ luôn nhắc mình nhớ về người đã khiến mình tan nát vào một mùa thu tuyệt đẹp khi hai bên đường ngả vàng như cổ tích.

Thật hoài niệm và cũng thật đáng sợ.

Bố mẹ – con cái

Mình trong mắt bố mẹ mình là một đứa thất bại.

Chính xác thì chuyện này xảy ra từ trước. Sau đó đến một thời gian mình học tốt và vượt ngoài kỳ vọng của bố mẹ thì được đem làm gương, tự hào này nọ. Tiếp đến giai đoạn mình ở nhà chưa đi làm được và có ý định chuyển sang dạy Tiếng Anh, cùng lúc với việc những tấm gương khác như các cô cậu, chị em họ của mình nổi lên, với những mức lương trăm triệu và thu nhập trăm tỷ thì bùm, cái đứa hai con ở nhà không biết làm gì như mình, với những rắc rối bên nhà chồng trở thành cái gai trong mắt bố mẹ mình. Thành một tấm gương xấu để bố mẹ bêu ra mỗi lần khuyên bảo đứa em gái mới vào cấp 3 của mình nhìn vào mà tránh dẫm vào.

Mỗi lần trước nhắc tới chuyện này mình thấy ấm ức vô cùng, thậm chí giờ khi đang type ra những dòng chữ này, mình còn thấy cái sự ấm ức đó còn nguyên. Mình viết như một cách để định hình lại những suy nghĩ và đặt cho nó một cái tên để làm việc với nó cho rõ ràng. Vì rõ ràng dù chuyện này có xảy ra bao nhiêu lần, mình vẫn có cùng một cảm xúc thì phải.

Từ sau khoá của chị PB, mình cũng cố gắng không phản ứng lại theo những cảm xúc vừa trồi lên bên trong, nhưng nói cho đúng thì mình cũng không tích cực làm việc với bản thân để nhìn thấu suốt những tổn thương cũ và những mã suy nghĩ sai nên tình hình cơ bản vẫn dậm chân tại chỗ. Những tổn thương cũ cũng dạy cho mình rằng, không phải cứ nói là sẽ có người hiểu, không phải thật thà nói ra những điều mình nghĩ thì sẽ được thông cảm. Nên có lẽ viết ra là cách hoà bình nhất mình có thể làm.

Một tình yêu thương vô điều kiện. Mình đã luôn mong mỏi được đối xử như vậy. Mình đã nhiều lần cảm thấy bị xát muối vào tim vì những lời chửi mắng, những lời phê bình, những lời phán xét, sau lưng, trước mặt, dù mình cố gắng làm tốt đến đâu, hay những lúc mình chỉ đơn giản là chưa biết làm thế nào cho đúng. Mình là kiểu người people-pleasing, sợ và chán ghét tranh cãi, và bỏ đi nếu được. Nếu có chuyện cần phê bình người khác, mình giống kiểu người Nhật, kẹp sandwich trước sau, mong người nghe không cảm thấy mất ý chí. Mình trải qua những cảm giác khó chịu với một tâm hồn xác xơ, và mong những người khác không bị tương tự.

Nhưng có những ngày nhìn lại mình, mình cũng đã từng quát con, mắng con vì con dậy sớm khi mình còn chưa ngủ được mấy tiếng, con lèo nhèo quấy khóc giãy đạp, có lần vì con xé tranh, hay bỏ dở cơm. Lúc ấy, mình đã yêu con vô điều kiện chưa? Để biết yêu người khác vô điều kiện khó đến thế nào? Và biết đâu con mình vẫn luôn phải tha thứ cho mình vì mình vô minh và ích kỉ? Con vẫn tìm đến mình để được yêu và quan tâm, vẫn yêu và thương mình những lúc mình chán nản ngồi lướt điện thoại và để con tự chơi.

Thật kỳ lạ là mình đã từng tràn ngập tình yêu với bố, ít hơn với mẹ, vì bố luôn quan tâm đầu tư chuyện học hành và tâm lý, thấu hiểu. Mình từng khóc vì bức thư bố gửi trước ngày cưới. Từng cảm ơn bố vì đã đứng về phía mình trong chuyện gần đây với nhà chồng. Và cũng là mình, cảm thấy vỡ nát những lần bị bố chất vấn tại sao lại đưa ra những lựa chọn ngu xuẩn, cảm thấy cô đơn khi chăm sóc con trong những đêm chẳng kịp ngủ với tiếng khóc dai dẳng, cô đơn với những lo lắng riêng về con cái và sự nghiệp. Có lẽ mình đòi hỏi tình yêu vô điều kiện từ người khác quá nhiều, trong khi đấy là điều khó với bất kỳ ai. Khi bố mình với mình không còn là con người mình biết và ngưỡng mộ, có lẽ mình cũng không là đứa con bố từng tự hào.

Tại sao mình viết ra những dòng này. Chỉ để nhìn thấy sự tuần hoàn của nhân quả, giữa người với người. Sự đối xứng giữa những gì mình cho đi, và những gì mình nhận lại. Cố gắng nhìn nhận để không sa đà vào trách móc và tủi thân.

Để nhớ rằng, mình không chỉ là những lời người khác nói.

Nhớ rằng, mình cần phải học cách yêu mình, trong cả những lúc tối tăm, thật khó biết bao những điều đã tưởng như đơn giản.

Mình đã luôn ưu tiên người khác trước.

Mình nhận ra là thế, vì mình ngạc nhiên khi đứa em gái kém mình 13 tuổi, nhẹ nhàng, dễ bảo nhưng lại kiên quyết đến mức nào khi người khác thử thách các giới hạn của nó.

Mình làm theo lời người khác để đổi lấy sự dễ dàng, như khi mình đỗ vào trường chuyên, học Ngoại thương, đi du học, lập gia đình và có con.

Trong tất cả những lúc ấy, mình đã tận hưởng sự dễ dàng của việc làm theo lời người khác bảo mà không mảy may suy nghĩ mình muốn gì.

Vì nếu mình nói ra, thì dường như mình là một trò cười, vì mình là một dreamer, mộng mơ giẻ rách.

“Đến chiếc muôi thủng còn có ích theo cách của riêng mình”

Nếu cô đơn đến thế, thì hãy ôm lấy mình. Tìm thấy bên trong mình trí tuệ và tình yêu. Thật khó khăn, nhưng chẳng còn cách nào khác. Đó là con đường duy nhất để đi đến cái đích cuối cùng.

Viết khi hơi buồn

Sáng nay Thành ho có đờm nên sáng sớm đã dậy khó chịu rồi đến 6h lại oẹ, cũng may ra đờm nên có vẻ bớt khó chịu. Rồi con ngủ khò đến gần 8h30 mới dậy. Thế là sáng hai anh em nghỉ. Tuần này làm nốt tài liệu để gửi bên tư vấn hướng nghiệp nên chưa can thiệp gì cho Nam.

Nay hai đứa đi học buổi chiều, cô gửi ảnh lớp thì không có Nam. Hỏi thì cô bảo dạo này con hay đi loăng quăng trong lớp. Tự nhiên thấy buồn vô hạn. Vì con có những vấn đề đặc biệt hơn mà đi học với các bạn chắc với con cũng như bố mẹ cho sang Đức học chẳng bắt nhịp được. Chắc là không có ai quan tâm trực tiếp được nên con chán và không tập trung. Ở nhà có con với thành mà nhiều lúc mẹ còn buông mà.

Thương em má bầu bĩnh mắt bồ câu trán bò liếm của mẹ. Phải bao nhiêu thời gian công sức mới mở được cánh cửa vào thế giới của em để em mở lòng với mọi người. Thương và buồn, nhưng chân vẫn sẽ bước tiếp. Trò chơi sinh tử lớn nhất là thế giới bình thường nơi ta sống. Chừng nào chưa end game thì còn phải nỗ lực.

Những thứ ấm áp

Coloratura của Coldplay. (và rất nhìu bài của Coldplay)

Hospital Playlist, và tất cả những thứ liên quan interview, making, special,…

Khoá học Can thiệp vui của cô Thương Hồ. Học để hướng dẫn con nhưng thật kỳ lạ mình thấy ai cũng cần những điều như vậy. Chỉ là các con có khó khăn về giao tiếp thì k biết cách che đậy cảm xúc của mình, chưa biết giao tiếp đúng cách người khác mong đợi mà thôi. Nói về chuyện đó thì chắc trong ai cũng có một chút đến nhiều chút của sự tự kỷ thật.

Điều bé nhỏ bình thường – Vũ trụ tình yêu của mẹ

Em bé Nam của mẹ ở trong bụng đã bị tranh ăn với anh Thành, em sinh ra có 1,7kg bé xíu.

Hồi đầu mắt em còn không mở to được vì gì nhỉ, quên mất tiu, mắt cứ bị dính vào cơ lớn thêm tí mới hết. Tóc em thì bò liếm một mình một kiểu trên thế giới. Mặt em ngây thơ như bông hoa mơ, trái với thằng anh sinh ra mặt đã nghiêm nghị như giáo sư (còn bây giờ thì lém lỉnh như chó con).

Mới đẻ vì bé quá ăn được ít quá các cô cứ hay phải kiểm tra thân nhiệt. Có lần mẹ đi vắt sữa ở phòng vắt sữa, về thấy mọi người nhao nhao phải lấy bơm tiêm đút sữa cho em vì bà bế đối diện điều hoà em bị lạnh quá. Em bé còn không đo được thính lực nên nửa tháng đầu còn lo lắng về thính lực của em, trộm vía không sao.

Em lớn dần lên cũng là lúc mẹ thấy em có những khác biệt so với anh và các bạn cùng lứa. Nói thì không ai tin, nhưng từ chuyện nhỏ em không để ý hóng hớt, không hay nhìn thẳng mắt, tránh ánh mắt, gọi không quay lại, hay đi vòng tròn, hành động lặp đi lặp lại mẹ đã lo em bị hội chứng autism. Mẹ cũng không biết tại sao mình lại nhận thức rõ về autism như thế, chắc vì trên Fb có một người mẹ hâm mộ cũng có con bị chẩn đoán như vậy.

Một tuổi dẫn em đi khám, bác sĩ bảo chắc không bị đâu, tiên lượng thì có thể tăng động giảm chú ý. Mọi người yên tâm, mẹ thấy em cũng tiến bộ dần nên cũng bớt lo nghĩ, vì bình thường chăm hai anh em ăn uống ngủ nghỉ cũng thực sự là mệt với mẹ. Con gần hai tuổi, những dấu hiệu đáng lo vẫn còn. Con đi học vẫn hay lẩn đi chơi một mình, dù cô bảo hoạt động chung con vẫn bắt chước các bạn. Ánh mắt con vẫn tránh né mọi người, kể cả mẹ. Những cái ôm hôn con cũng không thích lắm, mẹ thì tạm được còn mọi người thì con tránh. Mẹ chờ ngày hết dịch để đưa con đi chẩn đoán lại, trong thâm tâm vẫn muốn lẩn tránh, giá mà không phải, nhưng dấu hiệu thì không nói dối.

Có lẽ mẹ đã nghĩ mình bất hạnh lắm, nếu như không phải nhận ra mình ở đây để làm gì. Nếu cuộc sống chỉ là so đo hơn kém giữa người này với người kia, chỉ là cuộc chạy đua học giỏi hơn, xinh đẹp hơn, thú vị hơn, thì rốt cuộc cuộc sống này có ý nghĩa gì ngoài cảm giác đau khổ vì những chuyện không như ý. Con đến đây vì bài học của con, và cũng là vì bài học cho mẹ.

Nếu như chỉ có một Minh Thành cái gì cũng biết, cái gì cũng chuẩn như sách giáo khoa (trừ cân nặng chiều cao) thì mẹ đâu cần nhọc công tìm hiểu, mà có thể hời hợt sống qua ngày, chờ mọi thứ tự đi vào quy luật, bước vào cuộc đua giống những bố mẹ khác trên thế giới này. Vì có Nhật Nam, mẹ mới đăng ký khoá học của Mosaic, A365. Mẹ phải tìm hiểu một lần nữa, dưới lớp vỏ bình thường và tự nhiên của mọi thứ là gì. Đằng sau giao tiếp, những câu nói, và ánh mắt, là tầng lớp những trải nghiệm của giao tiếp không lời, của chú ý, lắng nghe, bắt chước, luân phiên. Đằng sau sự biết chơi giả vờ là đường ống của chơi đơn giản, chơi kết hợp. Một hệ thống những trải nghiệm tạo nên những điều bình thường nhỏ nhặt mà bình thường không ai để ý tới.

Lớp học của A365 đã giúp mẹ có những kiến thức đầu tiên để bước vào thế giới của con. Có những kiến thức nhỏ xíu như cách để con tăng giao tiếp làm mẹ bất ngờ, khi biết chỉ một chút điều chỉnh có thể khiến con phải đưa mắt nhìn mẹ và từng chút mỗi ngày cũng giúp con quen với việc nhìn mẹ và để tâm đến sự xuất hiện của mẹ bên cạnh hơn. Có ai từng hỏi nhỉ mẹ có yêu ai hơn không. Thật lòng là không, vì mỗi con thật khác nhau, thật đặc biệt theo cách riêng của mình, dù trước đây mẹ vẫn băn khoăn chật vật không biết làm sao để giao tiếp được với Nam.

Hai mươi sáu tháng tuổi, dạo này con đã biết nói lại theo mẹ nhiều từ hơn, khi mẹ hát “Chiếc đèn ông sao” con tự hát được những từ cuối “toả sáng nơi nơi”. Hôm nay mẹ hát “Một sợi rơm vàng” con nói được “quét nhà”. Trong quyển sách mới về các hình học, con nói được “hình chữ nhật”, chỉ được hai hình chữ nhật ở hai chỗ khác nhau. Con nói được cuối câu “Cái gì nhỉ” khi mẹ đọc đến “Cùng nhau chúng tạo nên”. Con nói được “chim Kaku” vì thường con nói các từ đều hơi có âm “cờ”, chưa rõ ràng được như anh con.

Con lôi ngăn kéo lấy ra các khuôn đất nặn, từng cái một con đưa cho mẹ xem và nói “hươu cao cổ”, “nhà”, “con lợn” với chất giọng còn ngọng nghịu nhưng mẹ hiểu con đang nói gì. Mẹ như vỡ oà. Lần đầu tiên con biết khoe mẹ đồ chơi của con, nhìn mẹ và nói tên đầy vui thích. Có thể năng lực tự thân của con giờ mới phát huy, hay chỉ nhờ những trò chơi và giao tiếp mắt mà con đã thể hiện được điều mình muốn nói? Cái đó mẹ không có câu trả lời, nhưng bên trong mẹ một đoá hoa của sự biết ơn nở rộ.

Mẹ cảm động biết bao điều nhỏ bé bình thường của bao nhiêu em bé, một lời nói, một ánh mắt biết trao đổi với người khác, đằng sau đó là cả một thế giới của nhận thức chớm nở, của bao nhiêu điều con tiếp nhận mỗi ngày âm thầm không ai biết. Trong con là một tiểu vũ trụ của tình yêu, của sự kiên nhẫn học hỏi và chờ đợi được chia sẻ, mà chỉ cần vội vàng mẹ sẽ bỏ lỡ. Con đường phía trước còn nhiều những bài học còn chờ đợi mẹ và con, nhưng những tia sáng lấp lánh từ ánh mắt và nụ cười của con đã cho mẹ thêm biết bao động lực. Cùng bước đi nào, trong tình yêu và tỉnh thức, chúng ta sẽ tìm thấy mình và mình trong thế giới này, em bé nhỏ của mẹ ơi.

Lòng biết ơn đủ đầy

Gia đình Wes giờ đã có bốn cậu bé. B,J, H, O. Những cái tên thật xinh đẹp. Những cậu bé xinh xắn, đáng yêu. Cả gia đình năm ngoái chuyển đến Trung Quốc, Wes dạy tiếng Anh còn Melanie chắc là trông con vì mình không nghĩ được việc gì vất vả hơn là trông 4 đứa trẻ con. Nhà Wes là một gia đình mộ đạo. Trước thì mình còn thấy khái niệm đó hơi xa lạ. Nhưng sau khi học xong lớp của c PB thì mình thấy cái đó chẳng quan trọng chút nào. Quan trọng là đó là một gia đình đầy yêu thương và biết ơn, tin vào sự đủ đầy và sắp xếp của một Đấng tối cao, hay cũng là vũ trụ. Một gia đình ấm áp mà người ta cứ muốn ở gần như lò sưởi trong đêm Giáng Sinh lạnh lẽo.

Gia đình ấy cũng đã cho Thảo, Hương và Vân những kỷ niệm tuyệt đẹp về nước Mỹ, những lần cùng ăn tối, cùng đến nhà chơi nói chuyện trong ánh đèn vàng mờ (đây vẫn là câu hỏi lớn của mình – tại sao tất cả những ngôi nhà chúng mình đến ở Mỹ đều dùng loại đèn vàng với ánh sáng vừa phải như thế), cùng chơi board game, cùng khắc bí Halloween và còn đi chỗ này chỗ kia. Cũng là nơi mình và anh béo đã quay lại, vào năm 2017 và cùng chơi trampoline trong sân nhà. Gia đình nhỏ nhiều thành viên như thế nhưng luôn có một thứ trật tự vững vàng từ tình yêu. Luôn là yêu thương, là ôm ấp và ở bên nhau, an ủi cả những giọt nước mắt tủi hờn nhất.

Hình như từ những năm 2017, 2018, thế giới sau đó đã trở nên xa lạ với mình. Có lẽ cả với mọi người, vì COVID đến. Với mình thì là việc có con và tất bật trong thế giới bỉm sữa. Những năm từ 2020 với mình thật lạ lẫm, cứ như là thế giới tương lai của Doraemon. Và cứ quay vòng, là hết một năm, cộng thêm một số.

Khi mà mình nghĩ rằng trái tim mình mới lạnh lẽo làm sao, thì những chuyện xưa, và tấm ảnh của gia đình Wes vô tình hiện lên FB vào buổi sáng sớm đã giúp mình cảm thấy ấm lòng. Như là, ở một nơi nào đó, người ta biết ơn, và sống với nhiều tình yêu như thế. Họ là những người mình quen.

Day 2

Những ngày này viết về hạnh phúc với mình lại khó.

Mình có nhiều điều để biết ơn, vì trong thời điểm mọi thứ đang xáo động ngoài xã hội thì mình vẫn có mái nhà để che chở, những đứa trẻ đang lớn, gia đình, sự ổn định. Nếu nói mình không hạnh phúc thì nghe như một sự kén cá chọn canh, mà thực sự thì điều duy nhất cản trở mình có thể bình an sống chắc là bản thân mình.

Nếu nghĩ là lỗi tại người khác, thì dù tuyết rơi trên ô tô cũng thấy nặng. Còn nếu coi là phận của mình, thì dù trên lưng vác vạc đồng cũng thấy nhẹ.

Vì mình chưa chịu tha thứ và chấp nhận.

Tha thứ cho người đã làm mình tổn thương, vì đã đem đến cho mình một bài học mình vẫn lảng tránh.

Tha thứ cho chính mình vì không là con người đáp ứng những kỳ vọng của bố mẹ và xã hội, vì đã mệt mỏi, hoang mang, trăn trở một mình đến nỗi thi thoảng lại đem những giận dữ về chính mình ném ra bên ngoài.

Thừa nhận những khoảnh khắc từng vỡ vụn và chữa lành cái tôi đang mang áo giáp sắt mỗi ngày để không còn chĩa mũi giáo nhanh như chớp vào những điều mình coi là công kích.

Nếu mình không cảm nhận được hạnh phúc, thì đó là do trái tim mình đã trơ ra như đá mất rồi.

Đã từng có những ngày hạnh phúc với mình vì được hoàn cảnh cho phép. Những ngày đi học ở Mỹ. Cái không khí trong trẻo của một thành phố sát những rặng núi, với những ngày nắng quanh năm kể cả khi đêm trước còn ầm ầm mưa tuyết. Trái tim trong trẻo và đầy tình yêu, đã vấp ngã, cô đơn nhưng lại được che chở bởi tình bạn và tình người bao dung, ấm áp và êm dịu mà mình chưa từng nhận được tràn trề đến vậy trong những năm trước đó và cả sau này. Trái tim đầy hy vọng vì chưa biết những ngày sắp tới và còn đó tự tin của tuổi trẻ ở ngưỡng cửa trưởng thành.

Trái tim ấy đã sứt mẻ nhiều phần vì ngây ngô va đập với sự sắc bén và gai góc của cuộc sống, khi đi làm và trong hôn nhân, trong thế giới của người trưởng thành. Mình đã sai, đã khóc, đã mệt mỏi và mệt mỏi, đã cô đơn và cô đơn. Trong những ngày tự mày mò giữa những người đã biết, những khi thất bại vì thử sức không thành, những kết quả không mong đợi, khi một mình, những đêm mất ngủ vì tiếng con khóc, những ngày lo lắng về tất cả mọi thứ, trước những cơn bão ngầm đã một ngày nổ ra hất văng mình khỏi bờ vực bình yên.

Có những lúc mình nghĩ mình phải hạnh phúc chứ, vì những chuyện với mình đâu có đến nỗi tuyệt vọng, vì mỗi ngày mở mắt mình có con bên cạnh, có bố mẹ, một người chồng thế-nào-cũng-được. Có bầu trời xanh trong ở nơi mình đang sống, những ngày nắng dịu dàng và cả những cơn mưa. Nhưng tâm hồn mình vẫn trơ ra không mảy may rung động, hoặc chỉ khẽ như một làn gió thổi qua. Mình không biết nên hy vọng gì vào tương lai.

Trong những ngày trưởng thành hỗn loạn này, mình sẽ phải tự tìm đáp án cho hạnh phúc, và xây nó bằng những viên gạch vững chãi của trí tuệ. Không thể mãi mông lung để chìm trong suy nghĩ, trong oán trách và sợ hãi. Những ngày hạnh phúc sẽ đến, mình tin là vậy, vì chúng ở sẵn đây rồi, trong mình.

Chậm lại, hít thở sâu, hiện diện trong từng khoảnh khắc.

Tìm lại những góc tối và dọn dẹp để nhường chỗ cho ánh sáng.

Yêu, yêu, yêu.

Trân trọng bản thân và yêu mình.

Hành động.

Hạnh phúc sẽ ở đây khi trái tim rung động trở lại.

Day 1

Trong một podcast mình mới nghe gần đây của Have a Sip, khách mời là PGS.TS Nguyễn Phương Mai, hiện giảng dạy về Đa văn hoá tại Amsterdam và cũng là tác giả hai cuốn sách “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo”, được chị host Thuỳ Minh hỏi về vấn đề đa danh tính, đa bản thể. Thực tế khoa học đã chứng minh một con người có thể có nhiều danh tính và bản thể khác nhau, và với mỗi trường hợp, sẽ có một hoặc nhiều danh tính chiếm ưu thế.

Vậy để nói về mình, với gia đình, mình hiện là một bà mẹ trẻ toàn thời gian của hai em bé sinh đôi hai tuổi. Danh tính xã hội của mình là một cựu học sinh chuyên Anh, cựu sinh viên Kinh tế của Đại học Ngoại thương học trao đổi một năm tại Mỹ. Danh tính nghề nghiệp của mình là một người làm Marketing, làm truyền thông, viết, thiết kế, tổ chức sự kiện có kinh nghiệm trong ngành F&B và Headhunter và một người dạy tiếng Anh hệ amateur.

Mọi người thường nhớ đến mình với hai keyword là tiếng Anh và viết.

Mình viết như một hệ quả của việc đọc. Mình là chị cả và cách khá xa hai em còn lại, sách với mình là bạn và là thế giới. Không chỉ sách, nói chính xác hơn là mình đã ngấu nghiến say mê tất cả những gì có chữ trong tầm mắt mình. Từ những cuốn sách được mua trong nhà sách Tiền Phong và hiệu sách gần Bờ Hồ trong những lần đi Hà Nội, những “Cuộc phiêu lưu của Karik và Valia” bỗng hoá tí hon khi uống nhầm thuốc của giáo sư Ê-nô-tốp, cô bé “Tôtto-chan bên cửa sổ” học tại trường học toa tàu, những quyển sách lịch sử của ông ngoại, những quyển sách vu vơ trên kệ sách của bố, tới những vụ ngoại tình, tâm sự đầy nước mắt được cô Thanh Tâm tư vấn trên báo Phụ nữ.

Mình có những quyển nhật ký từ năm này qua năm kia, và khi Internet ập đến thì mình viết blog và Facebook. Nhờ blog mà mình có công việc đầu tiên tại một chuỗi nhà hàng từng đình đám, và sau đó thì là một công ty về tuyển dụng giữa Việt Nam-Nhật Bản. Hiện nay mình vẫn khá bận rộn với công việc chăm sóc hai em bé nhưng đã bắt đầu có thêm thời gian rảnh và mình dự định quay lại viết lách bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Có thể mình sẽ lại viết về cuộc sống, về những em bé, về sách, về tiếng Anh, những thứ mình yêu thích. Có một thời gian mình dừng viết vì quá bù xù chuyện con cái và không có đầu vào, và cảm thấy thế giới này đã có đủ những quan điểm đủ thể loại, nhưng giờ mình sẽ bắt đầu lại, vì viết cũng là chạm vào chính mình, sắp xếp lại ngôi nhà nội tâm để tìm thấy mình trong ánh sáng của nhận thức.

Viết một cái gì đó nhé

Ngày xưa hồi mà mình còn trẻ, mình cảm động với nhiều thứ và mình viết nhiều, về những điều mình gặp, những cái mới, những cái lạ lùng, khó chịu, bức xúc.

Khi có chồng và nhất là từ khi có con, thì mình xao động nhiều. Bên ngoài mình là mặt hồ phẳng lặng, ngày lại ngày làm những công việc yêu cầu mình phải có mặt, đảm bảo con ăn no ngủ ngon (dù không thành công lắm), nấu ăn cho con, cho chồng, dọn dẹp nhà cửa, đưa con đi chơi (dù chỉ là loanh quanh). Nhưng bên trong mình, là một đống hoang mang.

Mình nhận ra là những thời gian chết trong ngày, mình dùng để lên Facebook, chơi game, xem phim hoặc đọc truyện. FB thì chúa tể của sự hổ lốn cả những cái hay cái dở, sau khi đọc rất rất là nhiều thì chung quy FB của mình hay có chia sẻ của các mẹ, các bạn trẻ, các chuyên gia về đủ thứ chuyện hầm bà lằng trên đời. Cái năng lượng hổ lốn ý ập vào cuộc sống của mình và mình cũng trôi theo nó để rồi kết thúc mỗi ngày trong sự lộn xộn.

Mình có nhiều nỗi sợ và bất an hơn là niềm vui.

Mình có nhiều hối tiếc hơn là hy vọng vào tương lai.

Mình chờ đợi mỗi ngày, chờ con lớn, chờ con đi học, chờ cuộc sống ổn định, sống cùng chồng con êm ả.

Không cái gì đến như những điều mình mong mỏi, và mình ở một góc nhà, mông lung về cuộc sống.

Đã ba tháng mình về Nam Định, về với bố mẹ. Con đã lớn gần hai tuổi. Hai đứa thích đi chơi, biết tự chơi. M lớn biết nói, nói nhiều, đam mê ô tô, có thể say sưa với đủ loại ô tô từ thật đến đồ chơi đến trên trang sách từ sáng đến tối. M nhỏ thì vẫn mới bập bẹ vài từ đơn, vẫn hay chơi một mình và ít tập trung.

Sáng một trong hai đứa dậy sớm hơn, thấy mình nằm ngủ tiếp sẽ để yên để mình ngủ và yên lặng tự tìm gì đó chơi, chắc nó cũng bất lực nên thôi để yên cho bà ý ngủ. Hai đứa dậy rồi thì sẽ nháo nhào đòi uống nước, ăn uống. Mình nấu ăn, cho con ăn, tìm gì đó cho con chơi, nhiều khi chạy lên xuống vì nhà bố mẹ rộng và mỗi tầng lại chơi một kiểu. Trưa lại nấu ăn, ăn, ngủ, pha sữa. Chiều chơi. Tối nấu ăn, cho con ăn, chơi, ngủ.

Mỗi ngày như mọi ngày. Đôi lúc mình sẽ mệt và chán lướt điện thoại trong khi con chơi, đến khi con cần mình làm gì đó. Mình biết là không nên, nhưng đôi khi vô thức như thói quen. Mình thấy hai đứa thật ngoan, dù con có nghịch, phản đối, và khi con nhí nhố ăn uống thì mình sẽ lên giọng và doạ nạt tí, có lúc con khóc và ăn vạ, nhưng nhìn chung mình thấy con thật hiểu chuyện và ngoan biết mấy. Mình biết mình cần hỗ trợ M nhỏ, mình biết con kém tập trung và chậm nói, nhưng mình cứ delay, chờ đến lúc gặp bs, chắc có gì đó mình làm được, mà mình trốn tránh.

Gần đây con đã đi học mẫu giáo được một tí, nhưng Covid nên trường đóng cửa và mình lại trông con. Mình thấy mệt khiếp, có hôm mình khóc trước mặt bố mẹ và mình thấy cuộc sống này sao khổ thế nhỉ. Ai cũng khổ, kể cả bố mẹ mình, có tài sản này kia cũng đâu hết buồn phiền, giận dữ.

Sống để làm gì nếu phải khổ thế này?

Đúng lúc ấy mình gặp khóa học của chị Phương Bùi, một cựu FTUer trước mình biết và cảm thấy không thích lắm. Nhưng gần đây chị có một nhóm chia sẻ trên FB tên là Xời! Chuyện nhỏ, mình đã đọc, và cảm thấy chị suy nghĩ thông suốt, không lên gân nhưng mình thấy được nội tâm con người này mạnh mẽ và ng sáng, không như con người trước kia mình cảm nhận được.

Mình đi học lớp học đầu tiên của chị Phương là “Không giới hạn 1”. May mà Covid nên những khoá học online dần, cũng tiện cho một người sống theo kiểu Covid từ khi bầu như mình (gần 3 năm rồi đấy). Thực sự khoá học rất helpful với mình, nó là tất cả những gì mình cần để trả lời những câu hỏi tại sao từ rất lâu mình đặt ra mà không có câu trả lời.

“Tại sao phải sống?”

Mình mất nhiều thời gian để suy luận, sống là để trải nghiệm.

Nhưng chị Phương đã hệ thống lại khiến cho mình có cái nhìn tổng quát, rõ ràng và sáng suốt về cuộc sống. Thật sự ý, mình là đứa rất đa nghi, và cũng tiếp xúc với nhiều loại luận điểm này nọ, và đến những bài học của chị Phương mình mới thấy được lối sống cần sống là như thế nào. Tại sao những cái cần thiết nhất, không bao giờ được dạy trong trường nhỉ :))

Tuy nhiên cũng một lần nữa, lớp học thì có bài tập. Và để sống đúng ý nghĩa cuộc sống, để bình an, hạnh phúc, thì phải làm việc với chính mình nhiều. Phải sống trong hiện tại, và rồi có những lúc chữa lành những tổn thương trong quá khứ để nhận ra mình đang phán xét cái gì ở người khác, đã khiến mình ghét bỏ và thấy lợn cợn. Khó cực kỳ, khi đã biết, nhưng lại vẫn đối đầu với cái tôi to đùng, vì cảm thấy mình thua thiệt. Đang là nạn nhân tự nhiên phải nhận mình là thủ phạm, khó.

Trước giờ mình không ghét ai, nhưng bố mẹ chồng là bài học đầu tiên cho mình thấy, mình cần sửa chữa điều gì. Mình vẫn chưa thể bước ra khỏi cái tôi để làm lành tất cả những chuyện này, những chuyện đã làm mình tổn thương sâu sắc.

Đó còn là một câu chuyện dài, và mình cần sớm làm việc để move on.